Luật Kiến trúc 2019. Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Quốc hội ban hành Luật Kiến trúc. Luật này quy định về quản lý kiến trúc, hành nghề kiến trúc; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động kiến trúc
Khởi hành từ trường Đại học
Với mục tiêu thống nhất hóa hệ thống bằng cấp và chứng trỉ hành nghề trên toàn bộ châu Âu, hội nghị cấp Bộ trưởng châu Âu diễn ra năm 1998 tại thành phố Bologna (Italy) đã đem đến những cải cách lớn trong hệ thống đào tạo cấp độ Đại học ở Italy. Theo đó, từ tháng tư năm 2002, đào tạo cấp độ Đại học được về cơ bản được chia làm hai giai đoạn theo mô hình “3 + 2”:
_ Ở giai đoạn thứ nhất, các môn học được tổ chức trong thời gian 3 năm. Giai đoạn này cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ bản về ngành học. Sau khi đã vượt qua tất cả các bài kiểm tra môn học, sinh viên sẽ được yêu cầu thực hiện một đồ án tốt nghiệp để được công nhận bằng Laurea Triennale, tương đương với Bachelor of Science trong tiếng Anh (bằng Cử nhân).
Sau khi đã vượt qua được giai đoạn thứ nhất, sinh viên được phép truy cập vào các khóa học thuộc chu kỳ thứ hai có thời lượng 2 năm để được cấp bằng Laurea Specialistica hoặc Laurea Magistrale, tương đương với Master of Science trong hệ thống giáo dục Anh quốc (1).
Bằng Laurea Specialistica là điều kiện cần để được làm việc một cách độc lập trong một ngành nghề có tính chuyên môn như ngành kiến trúc.
Chứng chỉ hành nghề KTS
Để được cấp phép hành nghề kiến trúc, các ứng viên cần đạt được 03 điều kiện sau:
_ Tốt nghiệp Đại học (Laurea Triennale hoặc Laurea Specialistica) chuyên ngành Kiến trúc hoặc Kiến trúc và Kỹ thuật xây dựng.
_ Vượt qua một kỳ thi quốc gia (2) để lấy chứng chỉ hành nghề. Cuộc thì này được tổ chức mỗi năm hai lần bởi Hội KTS. Các thí sinh sẽ thực hiện 03 bài thi viết / thiết kế đồ án và 01 bài thi vấn đáp với các câu hỏi về kiến thức chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp.
_ Chỉ khi đã vượt qua được kỳ thi quốc gia nói trên, thí sinh dự thi mới được công nhận một cách chính thức là KTS, được ghi tên vào sổ thành viên của Hội KTS và quan trọng hơn cả là sẽ được Hội KTS cấp phép hành nghề. (3)
Một điều cần lưu ý là tại Italy, cũng như trên phần lớn các nước thuộc Cộng đồng chung châu Âu, Hội KTS là tổ chức duy nhất có thẩm quyền cấp phép hành nghề cho KTS. Hội KTS ngoài ra còn có nhiệm vụ hướng dẫn cho các KTS hành nghề theo khuôn khổ pháp luật và đạo đức nghề nghiệp.
MoreDesign sư
Sau một cuộc cải cách hành chính gần đây, Hội KTS đã mở rộng và thu nhập thêm các nhà quy hoạch, kiến trúc cảnh quan và bảo tồn di sản kiến trúc. Việc sát nhập các hiệp Hội Quy hoạch, Cảnh quan, Bảo tồn di sản kiến trúc vào trong Hội KTS là kết quả của một quá trình tái cơ cấu và đơn giản hóa các tổ chức hành chính nhằm giảm thiểu sự trùng lặp về chức năng của các hiệp hội.
Hội KTS là cơ quan tối cao trong lĩnh vực hoạt động nghề của các KTS. Hội được tổ chức theo cấp tỉnh và được điều phối bởi Hội KTS trung ương. Xét về phương diện pháp lý, Hội KTS (cũng như những hiệp hội nghề khác) là một tổ chức công, hoạt động theo hình thức tự quản dưới sự giám sát của Bộ Tư pháp. Hội KTS được Chính phủ giao nhiệm vụ cập nhật danh sách thành viên, quản lý về quy tắc đạo đức nghề và bảo vệ tính chuyên nghiệp của nghề KTS.
Các KTS đăng ký thành viên vào Hội KTS trên cơ sở nơi cư trú của mình sẽ được phân thành nhóm, tùy thuộc vào trình độ chuyên môn của họ. Theo luật pháp hiện hành:
_ Những sinh viên đã kết thúc cả hai giai đoạn Đại học và đã được cấp bằng Laurea Specialistica hoặc Laurea Magistrale đăng ký tham dự kỳ thi quốc gia theo đúng chuyên ngành mà sinh viên đã lựa chọn ở giai đoạn chuyên sâu (giai đoạn hai của đào tạo Đại học) để được cấp phép hành nghề phù hợp (KTS, quy hoạch, cảnh quan, bảo tồn di sản kiến trúc). Những sinh viên này sẽ được ghi danh vào nhóm A trong sổ đăng ký của Hội KTS.
Những sinh viên chỉ tốt nghiệp với bằng Laurea Triennale cũng có quyền tham gia kỳ thi quốc gia để được ghi danh vào mục B – Architetto Iunior (tạm dịch là KTS cơ sở). Các KTS thuộc nhóm này được cho phép hành nghề trong một phạm vi tương đối hạn hẹp: họ chỉ được quyền nhận thiết kế (một cách độc lập) các công trình dân dụng quy mô nhỏ và đơn giản. KTS cơ sở tuy vậy cũng có quyền tham gia thiết kế các công trình có quy mô lớn theo hình thức cộng tác viên của KTS nhóm A hoặc với các xưởng thiết kế.
Trong số nhiều công việc thực hiện của Hội KTS, phải nhắc đến hai nhiệm vụ rất quan sau:
_ Kiểm tra việc lạm dụng chức danh KTS và thực hành nghề trái với các quy đinh của luật pháp. Trong trường hợp này, nếu cần thiết, Hội KTS có thể tiến hành các thủ tục tố tụng tư pháp.
_ Đóng góp và đề xuất ý kiến về các vấn đề liên quan đến nghề KTS với Chính phủ khi được yêu cầu.
Các bộ luật về hành nghề KTS ở Italy
KTS làm việc ở Italy nhận được nhiều thuận lợi trong thực hành nghề vì KTS và tác phẩm của họ được bảo vệ chặt chẽ bởi một hệ thống các điều luật khá hoàn thiện và có chiều sâu. Với nền tảng này, KTS Italy không những đảm nhận tốt nhiệm vụ của mình với khách hàng mà còn thể hiện một tinh thần trách nhiệm cao với toàn thể xã hội.
Chủ tịch Hội KTS VN – Nguyễn Tấn Vạn gặp gỡ Hội KTS Italy
Từ điều luật đầu tiên Quản lý danh hiệu và thực hành nghề của KS và KTS được ban hành từ năm 1923, cho đến nay các bộ luật về hành nghề KTS đã nhiều lần được chỉnh sửa nhằm đáp ứng được với tình hình thực tế của từng lịch sử. Trước những thay đổi gần đây về chính trị – văn hóa – xã hội diễn ra trên nước Italy và trong Cộng đồng chung châu Âu, Quốc hội nước Cộng hòa Italy hiện nay đang thảo luận cùng Hội KTS Italy về những sửa đổi cần thiết cho bộ luật này.
Bảng tổng hợp ở trang bên ghi lại những điều luật quan trọng và những mốc chính trong quá trình xây dựng hệ thống các điều luật áp dụng riêng cho lĩnh vực thực hành nghề KTS ở Italy. Độc giả đặc biệt lưu tâm đến luật về Quản lý danh hiệu và thực hành nghề của KS và KTS, về Quy tắc đạo đức của KTS Italy và các điều luật về Kỳ thi quốc gia và cấp phép hành nghề kiến trúc.
Sự cần thiết của luật về hành nghề KTS ở Việt Nam
Cảnh quan, lãnh thổ và kiến trúc là những biểu hiện cơ bản về văn hóa lịch sử của mỗi quốc gia. Kiến trúc được hình thành trên một tập hợp các giá trị đạo đức và thẩm mỹ và chính những yếu tố này sẽ xác định chất lượng của kiến trúc. Bởi kiến trúc cũng góp phần xác định các điều kiện của đời sống con người nên kiến trúc không thể được biến thành một thực tế thương mại và bị chi phối bởi những tiêu chí về số lượng.
Hơn thế nữa, tác phẩm kiến trúc, xét trên phạm vi rộng hơn là những chuyển đổi hình thái lãnh thổ, thường tồn lại lâu hơn những người thực hiện nó. Bởi vậy, chúng cần được xem xét từ lợi ích chung của cộng đồng và là một “tài sản” của cộng đồng. Mọi hoạt động nghề của KTS vì thế mà phải phù hợp với cả lợi ích hiện tại lẫn lợi ích trong tương lai của xã hội; KTS do vậy luôn phải tuân thủ chặt chẽ nền tảng đạo đức của kỷ luật của ngành nghề.
Để thực hiện tốt nhất chức năng của mình, xét ở khía cạnh chủ quan, KTS có nhiệm vụ bảo toàn tính độc lập của ngành nghề và bảo vệ nó khỏi những ảnh hưởng khách quan.Thông qua chữ ký của mình, KTS tuyên bố và nhận trách nhiệm với những sáng tạo tri thức và kỹ thuật của công việc đã thực hiện. Ở phương diện khách quan, nghề kiến trúc rất cần được bảo vệ bằng những điều luật áp dụng riêng cho ngành bởi chỉ có như vậy, các KTS mới có được sự tự tin cần thiết để bảo vệ những sáng tác của mình trước những tác động tiêu cực mà họ có thể phải đối mặt trong quá trình hành nghề. Chắc chắn, dưới sự hỗ trợ của một bộ luật kiến trúc hoàn chỉnh và hợp lý, KTS Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội hơn nữa trong việc xây dựng những công trình có chất lượng cao, góp phần làm đẹp hình ảnh đô thị và nông thôn giàu bản sắc của nước nhà.
Hy vọng, KTS Việt Nam sẽ sớm được đón nhận một bộ luật dành riêng cho mình, và với nó, KTS Việt Nam sẽ hòa nhập hơn nữa với nghề kiến trúc trên thế giới, để trong một tương lai không xa, kiến trúc và KTS Việt Nam sẽ trở thành một ngọn cờ đầu trong sự nghiệp quảng bá văn hóa Việt Nam./.
Chú thích:
1. Ngoài hai chu kỳ học chính này, tùy thuộc vào mục đích và nguyện vọng, sinh viên có thể theo học các khóa học chuyên sâu hoặc trên Đại học (Thạc sỹ cấp độ 1, 2; Tiến sỹ…). Để hiểu rõ hơn, độc giả có thể tham khảo tại đường link sau:
https://international.polito.it/it/corsi/il_sistema_universitario_italiano
2. Esame di stato hoặc Esame di abilitazione có thể được hiểu như một cuộc kiểm tra về năng lực chuyên môn. Theo thống kê, tỷ lệ thí sinh của vượt qua kỳ kiểm tra này chỉ vào khoảng 30-40%.
3. Điều luật số 897 ban hành ngày 25/04/1938 có quy định nghĩa vụ bắt buộc đối với kỹ sư, kiến trúc sư, chuyên gia kinh tế thương mại, luật sư, bác sỹ và một số ngành nghề khác trong việc đăng ký ghi danh vào hiệp hội hành nghề trực thuộc.